Rất thành công ở trường học nhưng lại thất bại trong trường đời, vì sao?
Chúng ta thường cố gắng học thật giỏi ở trường vì chúng ta được bảo rằng: đó chính là con đường duy nhất dẫn đến thành công trong cuộc sống. Một vài người trong chúng ta rất thích những con điểm 10 hay A+ với mong ước sẽ có một công việc ổn định,một căn nhà to và sự ngưỡng mộ của mọi người sau này. Nhưng, đôi khi, một điều trái ngược hoàn toàn đã xảy ra: chúng ta chứng kiến những người rất xuất sắc ở trường học nhưng lại không mấy thành đạt khi vào đời, và ngược lại.
Những “ngôi sao sáng” trước kia- những người luôn biết cách làm hài lòng quý thầy cô có thể đang trầy trật trong một văn phòng luật sư hay có thể đang di chuyển đến một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó để tìm một công việc khác tốt hơn. Con đường học vấn tưởng chừng như sẽ là tên lửa phóng vào tương lai giờ đây đã lao vào cát bụi.
Khi còn nhỏ chúng ta luôn được dạy rằng muốn thành công hay có cuộc sống sung túc sau này thì trước hết chúng ta phải học tập chăm chỉ và có được kết quả học tập tốt nhất. Điểm “A’’ chính là mục tiêu các cô cậu học trò cần đạt được nếu muốn thành công trong cuộc sống.
Nhưng trong thực tế, có bao nhiêu những học sinh, sinh viên đạt điểm A thành công khi họ trưởng thành? Những chàng trai và cô gái ưu tú, luôn chấp hành kỷ luật ở trường , nộp bài vở đúng thời hạn và đạt được thành tích học tập tốt nhưng cuối cùng thì lại làm công việc mà họ không hề yêu thích để kiếm kế sinh nhai.
Tại sao lại như vậy? Liệu chúng ta có nên giữ quan điểm dạy dỗ những đứa trẻ rằng để có thể thành công chúng ta nên học hành chăm chỉ và đạt được điểm số cao ở trường?
Những gì bạn cần để có được một cuộc sống tốt và thành công không thực sự được học từ trường lớp
Tôi không thấy nản lòng khi có bất cứ ai bỏ học. Có những môn học như ngôn ngữ, toán học đơn giản, âm nhạc và thể dục thể thao rất hữu ích cho chúng ta. Những gì tôi đang muốn đề cập đến ở đây là chương trình học của trường không hoàn hảo. Có rất nhiều điều thiết yếu cho cuộc sống mà không có bất kỳ bài giảng nào ở trường đề cập đến.
Về cơ bản, thành công ở trường được định nghĩa bằng việc vâng lời, và dù bạn có là những đứa trẻ ngoan hay không đều phụ thuộc vào kỳ vọng của giáo viên. Thay vì giúp học sinh hiểu được tại sao họ nên làm việc này việc kia thì các giáo viên (hay cả một hệ thống giáo dục) lại buộc học sinh phải tuân theo các quy tắc, và cũng bởi thế mà học sinh sinh viên không còn chỗ cho sự độc đáo hay tư duy phản biện.
Nhưng thực tế cuộc sống thì không phải vậy. Để thành công trong cuộc sống, bạn cần phải tư duy vượt ra khỏi khuôn mẫu thay vì làm những gì những người khác đang làm. Và cuộc sống đòi hỏi có rất nhiều khía cạnh khác cần được lưu tâm ngoài các môn học của trường. Ví dụ, làm gì để trở thành một người hạnh phúc; Làm thế nào để duy trì một mối quan hệ lành mạnh; Làm thế nào để làm việc một cách thông minh; Và phải làm gì để có cuộc sống có ý nghĩa…?
Bảng thành tích không tốt ở trường không quyết định bạn là người thất bại
Mặc dù thực tế là bất cứ ai có bằng tốt nghiệp trung học đều có nhiều cơ hội hơn vì người ta cần có kiến thức và kỹ năng cơ bản. Số liệu thống kê cho thấy những người thất bại trong trường học không đồng nghĩa với việc thất bại trong cuộc sống. Bạn có thể đã biết Steve Jobs, Richard Branson, Oprah Winfrey và Jim Carey… không hề có bảng thành tích nổi trội khi ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí có người trong số họ còn bỏ học. Theo niên giám thống kê (các phiên bản 1959-2005 & 2007), trong số tất cả những người thành công trong các lĩnh vực khác nhau, ít nhất 768 người trong số họ từng bỏ học. Cụ thể:
Tỷ phú: 26 người
Người đạt giải Nobel: 10 người (6: Văn học 2: Hòa bình, 1: vật lý, 1: hóa học)
Đạt giải Oscar: 63 người
Người được đề cử giải Oscar: 105 người
Tác giả sách bán chạy nhất: 56 người
Huân chương tự do của Tổng thống: 25 người
Người nhận huy chương vàng của Quốc hội : 12
Hệp sĩ: 28
Thật ra đây không phải là một điều quá ngạc nhiên. Bởi vì chương trình học thường không được thiết kế bởi những người giàu kinh nghiệm hay có nhiều năng khiếu trong thế giới ngoài kia. Nó thường dựa trên những định luật, những phát minh từ hàng ngàn năm về trước.
Điều này giải thích cho những thói quen xấu mà nhà trường có khuynh hướng phát triển:
1/ Họ dạy chúng ta truyền đạt lại những ý tưởng cũ, thay vì tự phát minh ra những ý tưởng mới.
2/ Họ dạy chúng ta phải đáp ứng những kì vọng, thay vì thay đổi chúng.
3/ Họ muốn chúng ta giơ tay phát biểu và chờ đợi để được mời đứng lên. Chúng ta luôn phải xin phép người khác để được nói lên ý kiến của mình.
4/ Họ dạy chúng ta tất cả ngoài hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống trưởng thành: làm thế nào để định hướng đúng nghề nghiệp và làm thế nào để xây dựng các mối quan hệ ? Họ dạy chúng ta cách phân tích một tác phẩm văn học và cách tính thể tích hình chóp trước khi dạy chúng ta 2 điều căn bản nhất: Công việc và mối quan hệ.
Cuộc sống là một bài học lâu dài. Bạn không thể xác định người này hay người kia có thành công hay không chỉ dựa vào một khoảng thời gian nào đó
Nếu bạn đã kết thúc việc học ở trường thì hãy tiếp tục học hỏi vì những gì bạn được học ở trường sẽ chẳng bao giờ đủ cho bạn một cuộc sống đáng mơ ước. Nếu bạn vẫn đang học, dù điểm số ở trường có tốt hay xấu cũng đừng quá quan trọng.
Đừng giữ niềm tin mù quáng rằng chỉ bằng cách đạt điểm số tốt ở trường mới mang lại cho bạn thành công. Tuy nhiên, cũng đừng phá vỡ các quy tắc trừ khi bạn đã học được và hiểu những lý do đằng sau. Nếu bạn đã là cha mẹ hoặc một giáo viên, đừng chỉ tập trung vào điểm số mà các con đạt được. Cố gắng khám phá tiềm năng và giải phóng tài năng của chúng, đó là cách xây dựng sự tự tin và cuối cùng đi đến thành công sau này.
Để có một tương lai xán lạn đòi hỏi chúng ta phải hoàn thành được cùng lúc 2 việc: vừa là một học trò chăm ngoan học tốt vừa tích lũy thêm các kỹ năng mềm cần thiết.
Đừng mãi tuân theo những luật lệ và định nghĩa của người khác mà triệt tiêu đi sự tìm tòi và tính sáng tạo bạn nhé!