Anh lính bạch cầu tiêu diệt tên vi trùng xâm lược như thế nào?
Bạch cầu, hay bạch huyết cầu (nghĩa là "tế bào máu trắng", còn được gọi là tế bào miễn dịch), là một thành phần của máu. Chúng giúp cho cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm và các vật thể lạ trong máu. Chúng là một phần của hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu các loại trong một lít máu người lớn khỏe mạnh dao động từ 4x109 tới 11x109.
Bạch cầu trong suốt, kích thước khá lớn, có nhân. Ngoại trừ máu, chúng được tìm thấy với số lượng lớn trong các hạch, mạch bạch huyết, lách và các mô khác trong cơ thể.
Có năm loại tế bào bạch cầu: Bạch cầu ưa kiềm, bạch cầu ưa axit, bạch cầu trung tính, bạch cầu mônô và bạch cầu limphô.
Đặc tính chung của mọi cơ thể sống là tuy tha hồ trao đổi chất với bên ngoài, nó vẫn luôn luôn bảo vệ tính độc lập, không chấp nhận sự lai căng. Để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập và phá hoại của các yếu tố ngoại lai, hệ thống miễn dịch gồm các bạch cầu phải luôn luôn chiến đấu nhằm loại trừ, tiêu diệt hoặc đồng hoá chúng.
Có đến hàng chục triệu yếu tố ngoại lai, bao gồm các loại vi trùng, virus, bụi bặm, dị vật, mảnh ghép của cơ thể người khác…, nói tóm lại là những protein lạ mà y học gọi là những kháng nguyên.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể bao gồm mấy "binh chủng" bạch cầu như lympho T, lympho B, đại thực bào, kháng thể…
- Các bạch cầu lympho T do tuỷ xương sản xuất, được các men hoạt hoá khi đi qua tuyến ức. Chúng chiếm 80% quân số bạch cầu lympho, tiêu diệt kẻ thù bằng chất độc.
- Các bạch cầu lympho B cũng do tuỷ xương sản xuất, chiếm 20% quân số, chuyên bắn các "viên đạn" kháng thể vào kẻ thù đang bơi trong huyết tương.
- Các kháng thể do bạch cầu lympho B chế tạo. Chúng làm các kháng nguyên tiêu tan hoặc "trói" chúng lại bằng cách làm đông vón, chờ các đại thực bào đến “ăn thịt” hoặc thải bỏ ra ngoài.
- Các đại thực bào có men tiêu hoá, nhận nhiệm vụ phá huỷ và thu dọn các "xác chết" còn lại trên "trận địa".
Các bạch cầu của một cơ thể được dán nhãn hiệu cá nhân để phân biệt tế bào đó là của mình hay của kẻ khác. Nhãn hiệu này được đóng vào màng tế bào, gồm 8 protein có cấu tạo đặc biệt, không ai giống ai. Protein này được tạo thành bởi 4 cặp gene của nhiễm sắc thể số 6 trong nhân tế bào. Những gene này được gọi là hệ HLA, là bộ tham mưu chỉ huy các lực lượng an ninh cơ thể. Nhờ nó, khi kẻ lạ vào người, các bạch cầu nhận dạng được ngay và báo động. Cuộc chiến tranh tự vệ sẽ nổ ra nhằm tiêu diệt vi trùng xâm lược hoặc làm bong những mảng tế bào lạ ghép vào người.
Bạch cầu được phân thành ba loại chính
Bạch cầu hạt
Bạch cầu hạt (granulocyte) được đặc trưng bởi các hạt nhuộm màu khác nhau trong tế bào chất dưới kính hiển vi quang học. Có ba loại bạch cầu hạt: bạch cầu trung tính (neutrophil), bạch cầu ái kiềm (basophil) và bạch cầu ái toan (eosinophil) (được đặt tên theo các thuộc tính nhuộm màu của chúng). Trước đây, bạch cầu hạt còn được gọi (không chính xác) là "bạch cầu đa nhân" do đặc điểm phân thùy (múi) của nhân tế bào, tác giả Trần Phương Hạnh từng đề nghị thuật ngữ "bạch cầu nhân múi" thay cho "bạch cầu đa nhân". Ngoài ra chúng ta cũng có thể gọi những bạch cầu có hạt là bạch cầu có nhân đa hình (vì nhân của nó thường được phân thành nhiều múi khác nhau và thường có từ 1 - 5 múi). Người ta sử dụng yếu tố phân múi này để định công thức bạch cầu Arneth!
Tế bào lympho
Là các tế bào chuyên biệt của hệ miễn dịch, các tế bào lympho (lymphocyte) rất phổ biến trong hệ bạch huyết. Trong máu có ba loại lymphocyte: tế bào B, tế bào T và các tế bào giết tự nhiên (natural killer (NK) cell). Các tế bào B sản xuất ra kháng thể liên kết với tác nhân gây bệnh nhằm tạo điều kiện để có thể phá hủy chúng. Các tế bào T CD4+ (T bổ trợ) phối hợp các phản ứng của hệ miễn dịch (loại tế bào này bị suy giảm khi cơ thể bị nhiễm virus HIV). Các tế bào T CD8+ (T gây độc) và tế bào giết tự nhiên có khả năng giết các tế bào của cơ thể bị nhiễm các tác nhân gây bệnh nội bào.
Bạch cầu đơn nhân
Bạch cầu đơn nhân (monocyte) chia sẻ chức năng 'dọn dẹp chân không' của bạch cầu trung tính, nhưng chúng có đời sống dài hơn bởi chúng còn có vai trò bổ sung khác. Bạch cầu đơn nhân trong máu cũng như các bản sao của chúng ở các mô - thực bào rồi đưa các kháng nguyên của tác nhân gây bệnh tới trình diện cho tế bào T. Bạch cầu đơn nhân trưởng thành có thể biệt hóa thành đại thực bào tại các mô khác nhau của cơ thể.