Not found block 'head_main'
Trang chủ
Cách viết kết bài Văn nghị luận đơn giản, đủ ý, dễ đạt điểm tối đa

1. Kết bài bằng cách tóm lược vấn đề nghị luận

Đây là cách kết bài đơn giản, dễ viết và đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp thí sinh không còn nhiều thời gian. Tuân thủ chặt chẽ yêu cầu cơ bản của một kết bài, ở cách viết này, sĩ tử chỉ cần tóm lược những luận điểm đã trình bày phía trên, đảm bảo viết đúng, đủ để đạt 0,25 điểm cho bố cục hoàn chỉnh của bài viết. Ví dụ, đối với đề bài yêu cầu cảm nhận hay phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, thí sinh cần tóm lược các luận điểm lớn về nhân vật:

Luận điểm 1: Chí Phèo là hiện thân thê thảm của người nông dân dưới xã hội thực dân nửa phong kiến.

Luận điểm 2: Chí Phèo mang những phẩm chất tốt đẹp ngàn đời của người nông dân Việt Nam.

Luận điểm 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Kết bài cho đề bài này có thể viết như sau: "Với bút pháp xây dựng nhân vật tài tình ở khả năng phân tích và biểu hiện con người đa diện, nhiều chiều, không thuần nhất mà đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy, Nam Cao đã sáng tạo nên một hình tượng nhân vật để đời trong làng văn Việt Nam hiện đại. Chí Phèo là hiện thân thê thảm của người nông dân dưới xã hội thực dân nửa phong kiến, đồng thời cũng ẩn giấu những phẩm chất tốt đẹp bền vững ngàn đời ở người nông dân Việt Nam".

thi1

 

2. Kết bài bằng cách gợi mở, nâng cao vấn đề

Lời kết luận một mặt phải thực hiện chức năng thâu tóm lại nội dung cơ bản của thân bài, mặt khác phải tạo được dư ba trong lòng người đọc. GS.Nguyễn Đăng Mạnh đã từng tâm sự chuyện viết văn của mình: "Đối với mỗi bài văn, tôi bao giờ cũng chú ý gia công vào lời kết luận sao cho có dư ba. Như âm hưởng ngân nga của tiếng chuông, lời kết luận phải gây được cảm xúc bồi hồi và gợi được những cảm nghĩ mông lung không dứt trong tâm trí độc giả khi đọc xong câu cuối cùng của bài văn. Lời hết ý mà ý cũng hết là kết luận không hay. Lời hết mà ý không cùng mới là lời kết có nghệ thuật". Bởi vậy, thí sinh có thể làm thử sức mình với kiểu kết bài "mở", nghĩa là dựa trên cơ sở quan điểm chính của bài viết, bằng liên tưởng, vận dụng, người viết phát triển, mở rộng nâng cao vấn đề. Đây cũng là kỹ năng viết kết bài khó đòi hỏi sĩ tử phải có quá trình "tập tành" viết văn lâu dài, không ngừng sáng tạo, đổi mới trong cách viết. Dưới đây là một số cách kết bài "mở", tạo sức dư ba cho bài viết.

+ Kết bài bằng kiến thức lý luận văn học: từ vấn đề nghị luận trong tác phẩm cụ thể khái quát thành vấn đề lý luận văn học khiến bài viết có tầm hơn.

Ví dụ, đối với đề bài yêu cầu cảm nhận bài thơ "Tây Tiến" - Quang Dũng, thí sinh có thể vận dụng kiến thức lý luận về đặc trưng nội dung của văn học như sau: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Quả đúng như vậy, Tây Tiến đã mang đến cho người đọc “con người và thời đại” của một thời chống Pháp oanh liệt hào hùng . Qua đó ta thấy được tinh thần Tây Tiến bất tử, một thời đại bất tử. Cảm ơn nhà thơ Quang Dũng – người đã tạc tháng năm lịch sử vào hồn người. Xin được mượn mấy lời thơ của Giang Nam thay cho lời kết:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy, con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông”

+ Kết bài bằng cách gợi mở những vấn đề trong cuộc sống từ tác phẩm văn học, thể hiện được những chiều sâu trong suy nghĩ của người viết khi đi tìm mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống, cũng là đích đến cuối cùng của văn học.

Ví dụ, khi phân tích vẻ đẹp của nhân vật quản ngục trong truyện ngắn "Chữ người tử tù" - Nguyễn Tuân, người viết có thể gợi mở những ngẫm nghĩ về nhân cách con người, về cái sang, cái hèn, cái cao cả đê tiện của con người ta trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương ở trên đời: "Cái cử chỉ đẹp nhất, cảm động nhất của nhân vật này lại chính là cái cử chỉ khúm núm trước người tử tù cái đêm Huấn Cao cho chữ trong nhà ngục (...) Có những cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.Chính Cao Chu Thần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao trong "Chữ người tử tù", có một câu thơ thật đẹp, thật sang: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy mai hoa) Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy".

Theo Thiquocgia.vn

Cách viết kết bài Văn nghị luận đơn giản, đủ ý, dễ đạt điểm tối đa

Thứ ba, 06/06/2017, 16:14 PM

Kỹ năng viết kết bài nghị luận văn học dưới đây sẽ giúp sĩ tử hoàn chỉnh bài văn của mình với một kết bài đúng, đủ và tạo được ấn tượng với người chấm.

Bình luận

Ảnh mới nhất

Not found block 'docnhieu'
Not found block 'fanpage'